Quy trình thiết kế giao diện 1 website

Thiết kế giao diện website là một bước rất quan trọng cho sự thành công của website. Cho dù nhóm phát triển website có tạo ra một ý tưởng tuyệt vời hay công nghệ đỉnh cao nào cho website của mình thì nó cũng không thể thành công nếu người dùng bối rối khi sử dụng hay không cảm thấy hài lòng với giao diện. Trong bài viết này, Tất Thành muốn chia sẻ với bạn quy trình thiết kế giao diện 1 website chuyên nghiệp, giúp bạn hiểu hơn về cách tạo ra một giao diện hiệu quả và áp dụng nó cho dự án website của mình.

Bước 1: Thảo luận, xây dựng kế hoạch

Để một công việc diễn ra suôn sẻ và hiệu quả, hãy bắt đầu từ bước lập kế hoạch! Bước đầu tiên trong quy trình thiết kế giao diện 1 website chính là nghiên cứu và nắm bắt thông tin nhằm xác định mục tiêu, kết quả đạt được, những nhiệm vụ cần thực hiện... Từ đó, tiết kiệm thời gian và tiền bạc.
 
  • Thảo luận với khách hàng để hiểu các yêu cầu của họ. Tìm hiểu mục tiêu của khách hàng khi làm website là gì? Thúc đẩy bán hàng, thu hút sự chú ý đến thương hiệu...?

  • Nghiên cứu đối tượng mục tiêu (người dùng website). Ý tưởng đằng sau việc nghiên cứu người dùng là tạo ra trải nghiệm dựa trên mong muốn của họ. Cần xác định rõ bạn đang thiết kế website cho ai? Họ mong đợi đạt được và tìm thấy gì trên website? Họ có cách nào để đạt được mục tiêu đó?

Đó là những vấn đề cơ bản cần nghiên cứu khi thiết kế giao diện website. Nhưng tùy thuộc vào dự án, bạn có thể cần nghiên cứu thêm để hiểu rõ hơn về người dùng của mình. Những thông tin này sẽ giúp đơn vị thiết kế xây dựng một giao diện website tốt, tránh những sai sót và sửa đổi không mong muốn.

Bước 2: Nghiên cứu và phác thảo

Nghiên cứu và phác thảo
 
Khi đã hoàn thành bước thảo luận và lập kế hoạch, giai đoạn nghiên cứu và phác thảo được tiến hành. Đơn vị thiết kế sẽ kiểm tra các website hiện có để xem chúng được tạo ra như thế nào, những yếu tố nào được sử dụng ở đó. Tận dụng các website hiện có để làm ví dụ cho website mới xây dựng là một cách giúp tiết kiệm thời gian.

Bên cạnh việc phân tích website hiện có, cần quan tâm đến cả website đối thủ cạnh tranh. Nghiên cứu, phân tích website của đối thủ cạnh tranh và đưa ra quyết định về những cách có thể làm cho thiết kế giao diện của mình tốt và hấp dẫn hơn họ.

Từ những nghiên cứu này, đơn vị thiết kế sẽ tạp ra một vài bản phác thảo để thảo luận với khách hàng. Phác thảo ý tưởng giúp người thiết kế tìm ra hướng đi đúng và nhiều ý tưởng sáng tạo có thể xuất hiện trong quá trình phác thảo. Trong quy trình thiết kế giao diện 1 website, đây gần như là một bước bắt buộc.

Bước 3: Tạo wireframe

Đã đến lúc thiết kế wireframe để cung cấp một cấu trúc trực quan cho website! Sử dụng trình chỉnh sửa để xây dựng wireframe và tạo thiết kế giao diện đầu tiên cho website. Đây chỉ là khung của website, vì vậy nó thường ở dạng đen trắng và không quá chi tiết.

Các nút bấm, thanh hiện thị và các yếu tố khác có thể được lấp đầy wireframe để giúp người thiết kế xem được thứ tự thông tin trên trang, xác định việc nào nên làm trước, việc nào nên làm sau. Đây là bước suy nghĩ về trải nghiệm người dùng và cố gắng hiểu về tâm lý hành vi của họ.
Bước 4: Điều hướng trang chủ và xây dựng bố cục
Điều hướng trang chủ và xây dựng bố cục
 
Trang chủ nên được thực hiện một cách khôn ngoan vì nó là trang đầu tiên mà khách hàng sẽ nhìn thấy. Vì vậy, cần đặc biệt chú ý đến quá trình này vì trang chủ sẽ cho người dùng biết website có nội dung gì, cung cấp cho họ những điều gì. Yêu cầu đặt ra là thiết kế giao diện trang chủ hợp lý và thực hiện một quá trình điều hướng dễ dàng và trực quan. 

Khi xây dựng điều hướng, cần xem xét khả năng hiển thị của từng yếu tố, đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc điều hướng để mang đến trải nghiệm tốt nhất cho người dùng.
Bước 5: Thiết kế các yếu tố giao diện bổ sung
Bên cạnh các yếu tố cơ bản, cần phải bổ sung thêm các yếu tố nhỏ khác nhau để làm giao diện website thêm phong phú và ấn tượng: slide ảnh, banner website... Nhưng lưu ý chỉ đặt các chi tiết có ích và hợp lý vào website để tạo trải nghiệm người dùng tốt, tăng thêm sự tin tưởng của khách hàng tiềm năng. Tránh việc nhồi nhét quá nhiều thứ vào thiết kế vì nó có thể gây rối, làm  người dùng mất tập trung và bối rối trong việc sử dụng website.
Bước 6: Phối màu và kiểu chữ
Màu sắc là một trong những yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất tác động đến cảm xúc của khách hàng. Đó là vì sao cần khôn ngoan trong việc lựa chọn bảng màu cho giao diện website. Một giao diện hiệu quả cần 2 - 4 màu để truyền tải thông điệp của mình: 1 màu chủ đạo, 1 - 2 màu phụ và 1 màu phông chữ. Việc lựa chọn màu sắc cho giao diện không chỉ là đẹp mà còn phải thể hiện được đặc điểm thương hiệu, truyền tải cho người dùng đúng cảm xúc thông qua màu sắc.

Không chỉ các chi tiết thiết kế mà ngay cả kiểu chữ cũng có tác động đến giao diện website. Kiểu chữ lựa chọn phải phù hợp với phong cách giao diện chung, vừa đảm bảo dễ đọc và loại không chữ không nên quá cầu kỳ.
Bước 7: Cung cấp nguyên mẫu cho khách hàng
Cung cấp nguyên mẫu cho khách hàng
 
Bước cuối cùng trong quy trình thiết kế giao diện 1 website đó là cung cấp bản giao diện mẫu cho khách hàng để họ đánh giá chất lượng. Với bản mẫu này, khách hàng có thể đưa ra những ghi chú, yêu cầu sửa đổi (nếu cần) và đơn vị thiết kế sẽ thực hiện những yêu cầu này.
Sau đó, giao diện website sẽ được bàn giao cho đơn vị lập trình để thực hiện bước phát triển web tiếp theo.

► Xem thêm: Tại sao phải xây dựng website theo quy trình và nguyên tắc

Trên đây là những chia sẻ của Tất Thành về quy trình thiết kế giao diện 1 website. Hy vọng rằng quy trình được giới thiệu trong bài viết sẽ trở thành nguồn thông tin hữu ích, giúp bạn xây dựng và hoàn thành giao diện website một cách hiệu quả. Chúc bạn thành công!